I. Vượt biên khỏi Pháp qua Tây Ban Nha
1. Chuẩn bị cuộc khởi hành
2. Vượt dãy Pyrénées
3. Qua Tây Ban Nha
4. Khởi hành đi Maroc

II. Nhập ngũ vào Không Quân
5. Casablanca và Alger
6. Marrakech
7. Bên Anh

Cuộc phiêu lưu của Henri Cabannes trong những năm 1943-1945

I. Vượt biên khỏi Pháp qua Tây Ban Nha

1. Chuẩn bị cuộc khởi hành

Tháng mười năm 1942 tôi đỗ vào trường Cao Đẳng Sư Phạm (Ecole Normale Supérieure) tại Paris, sau hai lần từ chức bỏ trường Bách Khoa (Ecole Polytechnique). Thật vậy, năm 1941 khi học lớp chuẩn bị sau tú tài, tại trường trung học đệ tam cấp Lycée Saint Louis ở Paris tôi đã đỗ được trường Bách Khoa một lần rồi, mà không vào. Ngày 16 tháng hai năm 1943 đài truyền thanh quốc gia báo tin là Nhà nước mới đặt ra chính sách bắt dân đi lao động sang Đức (S.T.O. Service du Travail Obligatoire). Các thanh niên sinh những năm 1920, 1921 và 1922 bị động viên sang Đức để "nối gót" cho lớp đàn anh. Đồng thời có một đợt kiểm kê toàn quốc các thanh niên từ hai mươi mốt đến ba mươi mốt tuổi. Tối hôm đó, phản ứng với tốc độ nhanh chóng đã thành nếp, từ Luân-đôn có ngay lời chọi lại : "Chống kiểm kê". Phong trào trốn kiểm kê lan rộng một cách phi thường. Chiến dịch của đồng bào Pháp từ Luân-đôn chống chính sách bắt dân đi lao động, vượt hẳn, trên mọi phương diện, tất cả các chiến dịch truyền thanh đã thi hành cho đến nay. "Nếu bạn muốn sớm chấm dứt chiến tranh thì đừng cộng tác với Hitler !". Đến ngày mồng 1 tháng tám, 1943, danh sách những người trốn lao động đã lên tới 85.000 người. Sinh năm 1923, tôi không dính líu gì đến việc này. Tuy nhiên tôi cũng quyết định tạm ngừng việc học ở trường Cao Đẳng Sư Phạm để tiếp hợp với phe kháng chiến bên Anh hoặc Bắc Phi.

Tháng tám năm 1943, sau khi đỗ xong ba môn Vật Lý Đại Cương (Physique Générale), Toán Vi Phân (Calcul Différentiel) và Giải Tích Cao Đẳng (Analyse Supérieure), tôi đi công cán nông thôn về tỉnh Hautes Pyrénées, tại xã Bernadtes-Debat, ở nhà mấy người bà con có một khu trại ở đó. Tôi rất ngạc nhiên khi được biết ba người trong làng bị gọi đi lao động đã sang bên Đức, tuy biên giới Tây Ban Nha cách làng đó có 70 cây số. Tới Tarbes, tôi lại thăm ông Denis Prunet, bạn của bố mẹ tôi ; tôi ngỏ ý muốn trốn sang Bắc Phi, và ông đề nghị cho tôi bắt mối với một đường dây chui sẽ dẫn tôi vượt biên giới qua Tây Ban Nha ; tôi chỉ cần đến nhà ông, ông sẽ cho tôi ở trọ ít lâu, trong khi đợi ngày rời khỏi thành phố Tarbes. Tôi trở về Paris, qua Marseille thăm bà nội. Bà phản đối dữ dội dự định của tôi, vì theo bà, kết quả là cha tôi, giáo sư vật lý ở viện Khoa Học, Đại Học Paris (Université de Paris) sẽ bị bắt. Tôi cũng qua ngụ vài ngày tại Lecques, tỉnh Var, ở đó bố mẹ tôi có một biệt thự ; làng Lecques nằm trên bờ biển, giữa Marseille và Toulon. Không có ý định gì rõ rệt, nhưng tôi cũng xét xem những công sự xây trên bãi biển và trong vài biệt thự ở ven bờ, những công sự đó có mục đích ngăn cản một cuộc đổ bộ, phòng khi có xảy ra tại đó.

Về tới Paris, tôi được biết có hai cựu sinh viên trường Bách Khoa, Fontanet và Baylé, đồng khóa với anh cả tôi, muốn tìm đường dây sang Tây Ban Nha ; tìm được một đường dây như thế là một việc rất khó, cũng may mà tôi lại đã tìm được. Ngay khi ra trường, Fontanet đã đi Lourdes tìm cách bắt liên lạc với một tổ chửc có người giới thiệu cho anh. Nhưng tổ chức này đã bị lộ và không hoạt động nữa và anh phải trở về Paris làm tạm ở văn phòng nghiên cứu Caudron-Renault, một cơ quan phục vụ cho nhà máy Messerschmitt tại Augsbourg, bên Đức. Trường Bách Khoa có cử vài cựu sinh viên của trường vào đó, thi hành chính sách bắt dân đi lao động cho Đức. Ở đó anh gặp lại Baylé là bạn đồng khóa ; một vài sinh viên xuất thân ngành khoa học cũng làm việc ở đó, theo chính sách bắt dân đi lao động. Fontanet và Baylé được biết, qua anh cả tôi, rằng tôi có một đường dây mà không muốn đi một mình, nên đang tìm người đi với, nhân đó ba chúng tôi đã quyết định đi cùng. Vào cuối tháng chín, tôi đi cùng với bố tôi đến thăm ông Georges Bruhat, phó giám đốc trường Cao Đẳng Sư Phạm, báo tin ông là tôi sắp trốn đi, để trường khỏi tìm ; chúng tôi thỏa thuận rằng sẽ coi là tôi đã về miền nam dưỡng sức và ông Bruhat đã chúc tôi mọi điều may mắn ; tôi không còn được gặp ông nữa, vì sau đó ông bị đày đi Buchenwald, và đã mất tại Sachsenhausen. Thế là ngày mồng 4 tháng mười (1943), Fontanet và Baylé đã biến khỏi văn phòng nghiên cứu của các anh, và ba chúng tôi từ ga Austerlitz cùng nhau đáp tàu đi Toulouse.

Tới Vierzon, nửa đêm tên lính Đức kiểm tra hành khách trên tàu, nói tiếng Đức bảo tôi phải xuống, vì dấu triện trên giấy căn cước của tôi không được chuẩn ! Thế là tôi phải xuống và đợi cho hết đêm trong một toa tàu rỗng, đậu trên một khoảng đường tránh. Sáng ra tôi đến bộ chỉ huy địa phương của người Đức tại Vierzon và họ đóng cho tôi con dấu đúng tiêu chuẩn ! Sau đó tôi trở lại ga, đợi chuyến tàu sau đi Toulouse, và tôi đã tới nơi ngày mồng 5 tháng mười, vào khoảng 8 giờ tối. Tìm một khách sạn là một việc vừa khó vừa nguy hiểm, vì vậy tôi đến nhà bố mẹ anh Jean Combes, bạn tôi : 80 phố Taur. Tôi đã học thuộc lòng (vì không thể mang trong người bất cứ một tài liệu nào có thể liên lụy đến mình) một số địa chỉ ở Toulouse, Tarbes, Madrid, Casablanca, Alger và Brazzaville. Bạn Jean Combes và bố mẹ thấy tôi đến như một quái vật trên trời rơi xuống, và cho tôi ngủ nhờ một đêm. Hôm sau tôi lại lên tàu để đi Tarbes. Tôi tới nơi vào buổi chiều và lại nhà ông Prunet. Chúng tôi thỏa thuận rằng ông sẽ cho tôi ở đêm, và ăn sáng, còn ban ngày tôi không được ở nhà mà phải đi ăn ở ngoài. Ngày hôm trước ông cũng đã gặp Fontanet và Baylé ; hai anh cũng được tạm trú trong khi chờ đợi đi Tây Ban Nha, tại nhà một cặp vợ chồng dũng cảm, bạn của một bà chị anh Baylé, sắp đặt ăn ở cũng tương tự như tôi. Hôm sau, Fontanet, Baylé và tôi đã gặp lại được nhau, và chúng tôi quyết định cứ mỗi hôm hai người trong chúng tôi sẽ cùng đi với nhau, người thứ ba đi một mình ; chúng tôi nghĩ rằng ba gã thanh niên tuổi 20, cùng nhau lang thang ngoài đường trong thành phố Tarbes trong mấy ngày là một điều dễ gây nghi ngờ. Thế là cứ thay phiên nhau, mỗi ngày một người trong chúng tôi lang thang một mình, không trong trung tâm thành phố Tarbes, mà ở những khu ven ngoài. Có mỗi một lần chúng tôi họp nhau cùng đi thăm Lourdes. Chúng tôi không bao giờ được gặp những người tổ chức đường dây. Họ nhắn chúng tôi phải có mặt tại nhà ga Tarbes, ngày thứ sáu 15 tháng mười (1943), và hành lý mỗi người chỉ một ba-lô đeo lưng, mang theo thức ăn cho vài ngày. Ngay ngày hôm đó tôi gửi về bố mẹ cái va-li và tất cả các đồ trong đó, nay không cần đến nữa.

2. Vượt dãy Pyrénées

Chúng tôi từng người đi riêng tới ga Tarbes ; đến giờ hẹn, hai người, có lẽ trong nhóm tổ chức, bảo chúng tôi đưa họ món tiền đã định : 3000 quan một người (một nghiên cứu viên tại Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Gia, CNRS kiếm được 2000 quan một tháng khi mới vào nghề). Đoàn tàu, một chuyến tàu chợ đi Bagnères-de-Bigorre, đã đỗ tại ga. Thứ tàu này, toa hạng ba chia ra từng căn có hai cửa, mổi bên một cửa. Họ mở một cửa, và bảo Fontanet, Baylé và tôi, vào căn họ mới mở ra đó. Những bóng đèn trên trần đều vỡ, và chúng tôi chỉ lờ mờ thấy bóng một hai người ngồi sẵn đó. Đến bến Pouzac, là chặng cuối cùng trước Bagnères-de-Bigorre, một trong những người ngồi đó, mở cánh cửa trông ra đường sắt bên kia, và bảo chúng tôi xuống, và chúng tôi nghe lời, xuống đó. Khi đoàn tàu đi khỏi, chúng tôi nhìn nhau, thấy tất cả có chín người muốn đi trốn qua dãy núi Pyrénées, thêm hai hay ba người dẫn đường.

Sau Bagnères-de-Bigorre bắt đầu là vùng cấm, không ai có thể vào đó mà không có phép của người Đức. Chúng tôi lập tức khởi hành, băng qua các đồng ruộng. Chúng tôi qua làng Sainte-Marie-de-Campan, và đi suốt đêm cho tới đèo Aspin. Tới đó, những người dẫn đường để chúng tôi ở lại trong một khu rừng và bỏ đi, nói rằng đêm sau sẽ có nhóm người khác đến dẫn chúng tôi đi tiếp. Chúng tôi cố nằm xuống ngủ dưới bầu trời tháng mười của xứ lạnh, trong khoảng núi cao trên 1500 mét. Trong buổi cùng đi đêm đó, và ngày "nghỉ" kế theo, trong khu rừng cạnh đèo Aspin, chúng tôi đã làm quen với các bạn cùng tìm đường đi trốn. Trẻ nhất là một cậu thiếu niên 17 tuổi, người xứ Alsace, bị ép vào quân đội Đức ; cậu ta đã cả gan "đào ngũ" và tìm cách trốn sang Maroc để tòng quân vào quân đội Pháp. Một người nữa vừa mới đỗ vào trường võ bị Saint Cyr ; anh đã đi lạc lõng mất một tuần trong vùng núi Pyrénées, vì anh tưởng rằng một mình với một quả địa bàn và một tấm bản đồ, anh có thể qua Tây Ban Nha được ; khi được biết rằng Fontanet, Baylé và tôi, xuất thân từ trường Bách Khoa và trường Cao Đẳng Sư Phạm, anh được yên tâm, nhưng anh đã mệt mỏi lắm rồi ; thêm nữa, anh trang bị rất nặng nề : nào là áo choàng, giầy để thay,… trong khi ba chúng tôi, theo lời khuyên của người tổ chức đường dây, chỉ mang theo một ba-lô đeo lưng, với ít đồ ăn cho một vài ngày. Tôi chỉ còn nhớ rất mập mờ về bốn người kia, đồng mưu đi trốn với chúng tôi.

Tối ngày thứ bảy 16 tháng mười, lại có người dẫn đường đến, đưa chúng tôi đi, và sau khi chỉ đi vài tiếng, họ đưa chúng tôi vào một nhà chứa lúa, để chúng tôi ở đó nghỉ qua đêm, và qua cả ngày chủ nhật 17 ; dĩ nhiên chúng tôi yên lặng và không ra bên ngoài trong cả thời gian đó. Đêm ngày chủ nhật, lại một số người dẫn đường nữa đến với chúng tôi ; giai đoạn nguy hiểm nhất là ở làng Vieille-Aure, chúng tôi phải qua một cái cầu sang bờ bên kia thung lũng. Có một số lính Đức ngồi chơi ở một bàn, trong một quán cà-phê của làng. Do đó chúng tôi phải qua cầu đi từng người một, mỗi người bước lên khi được một trong những ngưởi dẫn đường ra hiệu ; người đó hình như là một thổ dân trong làng. Sau đó chúng tôi đi tới một mỏ đá bảng, và gọi là "nghỉ" ở đó cho đến năm giờ sáng. Bấy giờ một nhóm người nữa đến dẫn chúng tôi đi, theo một con đường chạy ven sườn núi, bên đông ngạn thung lũng, cho tới một vùng nằm ở phía trên nhà dưỡng Rioumajou ; nơi này tuyết đã bắt đầu phủ khắp mặt đường.

Bấy giờ là ngày thứ hai, 18 tháng mười ; lúc đó là 11 giờ trưa. Những người dẫn đường trỏ cho chúng tôi thấy đèo Port du Plan (độ cao 2457 mét), qua bên kia là Tây Ban Nha ; họ bảo là nửa giờ nữa chúng tôi sẽ tới đó, và chúc chúng tôi kết thúc cuộc du hành được hoàn hảo. Chúng tôi bắt đầu leo lên núi, chân lún vào tuyết, lúc đầu tuyết ngập đến bụng chân, rồi sau lên đến tận đầu gối. Đến 14 giờ, cái đèo vẫn nằm nguyên trước mặt, nhưng tới gần với chúng tôi càng ngày càng chậm ; đến 15 giờ, kiệt sức, tôi vứt bỏ trong tuyết cái ba-lô và tất cả lương thực mang trong đó ; Fontanet và Baylé, giai sức hơn tôi bèn nhặt lại lương thực ! Sáu người chúng tôi đi tiếp, còn ba người, không còn sức, phải trở về dưới thung lũng. Đến 16 giờ, chúng tôi tới đèo Port du Plan, nơi biên giới. Dĩ nhiên lính Đức và những bọn phụ tá người Pháp không thể canh gác tất cả các đèo được, nhất là những đèo khó đi như Port du Plan mà chúng tôi vừa đạt đến.

3. Qua Tây Ban Nha

Tây Ban Nha đây rồi ! Chúng tôi thuộc số 23 000 người Pháp đã trốn được khỏi nước, sang Tây Ban Nha, nhưng điều đó chúng tôi còn chưa biết. Đêm xuống dần, và chúng tôi tiến bước xuống thung lũng, cho tới khi tìm ra một nhà chứa lúa, để nghỉ đêm ở đó. Quần áo chúng tôi ướt hết sau cuộc lặn lội qua tuyết, do đó chúng tôi ngủ trần truồng trong đám rơm và đó là đêm đầu tiên chúng tôi được nghỉ thực sự từ khi ra đi khỏi Tarbes. Ngày hôm sau, thứ ba 19 tháng mười, chúng tôi đi tiếp tiến xuống thung lũng sông Cinqueta ; trên đường có một cái cầu không thể tránh được ; ngay bên kia cầu, qua sông, có cảnh binh Tây Ban Nha đợi sẵn các thanh niên Pháp, hồi bấy giờ cứ vài nhóm một tuần, lần lượt tới đó, sau khi vượt khỏi một trong những quãng đèo cao ngất. Chúng tôi ở lại với bọn cảnh binh cho đến hết giờ trực của họ, vào khoảng 16 giờ, rồi cùng xuống làng Plan, theo họ về trụ sở.

Vài người nông thôn trong làng tiếp đón chúng tôi thật nhiệt tình, cho chúng tôi đồ ăn, bánh mì và xúc-xích khô, vì chúng tôi chẳng còn gì nữa ! Đêm đến bọn cảnh binh giam chúng tôi ở công thự của họ, một ngôi nhà rất tầm thường. Họ bảo rằng mấy hôm nữa sẽ đưa chúng tôi đến tỉnh gần nhất để gặp ông lãnh sự ! Chúng tôi chẳng còn gì, mà cũng chẳng biết gì nữa, và hoàn toàn không thể chạy đi được. Chạy đi đâu ? bằng cách nào ? Ban ngày họ để chúng tôi tự do đi lại và dân làng Plan cho chúng tôi ăn ; chính họ cũng có vẻ nghèo lắm. Sau vài ngày, tôi không nhớ rõ ngày nào, bọn cảnh binh đưa chúng tôi đi, lúc đầu đi bộ, để lấy chuyến xe ca, nó sẽ chở chúng tôi tới tỉnh gần nhất đó, để gặp ông lãnh sự ! Tỉnh đó là Barbastro, nhưng lúc đó chúng tôi không biết, cách xa 106 cây số. Sau khi đi bộ được 12 cây số, chúng tôi tới làng Salinas de Sin, và tại đó chúng tôi có thể chờ chuyến xe ca nối liền Bielsa và Barbastro. Mấy anh cảnh binh canh chúng tôi đòi tiền để trả xe ca. Chúng tôi nói là không có tiền ; sự thật là chúng tôi muốn giữ lại số ít tiền còn sót trong tay.

Họ bảo thế thì phải đi bộ đến Barbastro ; điều này chúng tôi không sợ, vì đã đi được trong mấy đêm từ Pouzac đến làng Plan. Thế là, chúng tôi đã đi bộ cho đến làng sau. Ở đó chúng tôi cùng với bọn cảnh binh lên chuyến xe ca từ Bielsa đi đến. Tới tỉnh Ainsa xe ca đỗ lại khá lâu, và các anh cảnh binh đưa chúng tôi vào một quán cà-phê. Ông chủ quán cho chúng tôi ăn mà không đòi gì, vì chúng tôi chẳng còn bao nhiêu nữa. Hình như đối với những người Tây Ban Nha đã nuôi dưỡng chúng tôi trong mấy ngày đó, chúng tôi được liệt vào hạng anh hùng. Có lẽ họ tự nhủ rằng, mang thân chiến đấu chống Đức, chúng tôi cũng sẽ làm cho Franco sớm cáo chung, và tin chắc rằng họ cũng mong muốn như thế. Sau cùng chúng tôi đã tới Barbastro vào khoảng 20 giờ, và những người canh giữ đã đưa chúng tôi đến một tòa nhà, xưa là một tu viện, và cùng chúng tôi vào đó. Sau khi cửa đóng lại, chúng tôi nhận ra đó không phải nhà ông lãnh sự nào, mà là một nhà giam. Chúng tôi ngây thơ đến tột bực, nhưng dù như có biết trước, thật ra cũng chẳng làm gì được.

Bây giờ ở tù ! Chúng tôi phải đăng ký, khai căn cước, và nộp hết của cải mang theo người, nghĩa là chẳng có gì cả, ngoài một ít tiền Pháp ; họ có trao lại một tờ giấy biên lai, nhưng trước sau nó cũng thật là vô dụng. Đoạn họ đưa chúng tôi vào một phòng lớn trong đó đã có khoảng bảy chục người Pháp, ở đó từ bao giờ không biết. Cố sít nhau vào một chút các bạn cùng tù chừa ra được bốn nệm rơm cho sáu người chúng tôi. Fontanet, Baylé và tôi chiếm lấy hai nệm, và ngủ như thế trong suốt những ngày bị giam tại Barbastro, cả thảy được môt tháng.

Quần áo chúng tôi chỉ có mỗi bộ còn mặc từ ngày vượt biên, bộ này chúng tôi giữ mãi cho đến ngày 26 tháng chạp, là ngày mà trên đường đi Malaga để xuống tàu, khi qua Madrid hội Hồng Thập Tự (của nước nào ?) phát cho chúng tôi quần áo mới. Khi mới đến, các bạn tù hỏi chúng tôi về tình hình bên Pháp và tin tức chiến tranh ; theo những câu hỏi thì họ ở đó it ra đã được sáu tháng ! làm chúng tôi rất là thất vọng. Sau khi trao đổi vài lời, coi bộ chán nản của chúng tôi, họ phá ra cười, vì hồi bấy giờ thời gian bị giữ tù ở Barbastro là khoảng một tháng thôi ; nhưng mỗi người mới đến lại phải nếm cái trò đùa như thế. Hôm sau chúng tôi phải đi thợ cạo, để được cạo từ đầu đến chân ; vào quãng 10 giờ, tất cả phòng chúng tôi được xuống sân nhà tù trong một giờ ; ở đó chúng tôi gặp mặt những tù nhân Pháp bị giam ở một phòng khác. Trong số những người Pháp đó, Fontanet và Baylé gặp được một anh bạn của họ ở trường Bách Khoa ; riêng tôi thì gặp lại anh Jean Beydon, là bạn trung học của anh tôi ngày xưa. Anh Jean Beydon có học lớp dự bị thi vào trường Hải Quân (Ecole Navale), ở trường trung học Saint Louis ; thời điểm này trường Hải Quân không còn nữa, nhưng cuộc thi vào trường vẫn tồn tại, và những người trúng cử thì vào theo học trường Trung Ương Công Nghệ (Ecole Centrale) ở Paris.

Nhà tù ở Barbastro cũng chứa nhiều người Tây Ban Nha theo phe cộng hòa, bị giam ở đó từ lâu, và sẽ còn ở lại lâu nữa, vì Franco còn giữ chính quyền cho đến khi chết, năm 1975. Những người tù Tây Ban Nha không xuống sân cùng với người Pháp ; thật ra bãi sân cũng không đủ rộng để chứa tất cả những bị giam ở đó. Mỗi chủ nhật có buổi lễ ở nhà thờ ; người Tây Ban Nha bắt buộc phải đi, còn người Pháp thì tùy ý, nhưng chúng tôi đi hết, vì đó là một dịp để ra khỏi phòng giam. Lâu lâu lại có một tốp người Pháp mới vượt biên bị đưa đến nhà tù. Một hôm chúng tôi được thấy một trong ba người đã bỏ cuộc hôm 18 tháng mười trên đường leo lên đèo Port de Plan. Anh nói rằng cùng với một trong hai người kia, anh đã xuống nhà dưỡng Riomajou, còn người thứ ba kiệt sức, đã nằm xuống tuyết và tắt thở ; đó là anh bạn đã đỗ vào trường võ bị Saint Cyr ; trường không còn nữa, nhưng những lớp dự bị vẫn còn và những kỳ thi vẫn được tổ chức (có lẽ để chuẩn bị cho tương lai) ; anh mới có 21 tuổi ! tên là Sapone.

Đều đều viên giám đốc nhà tù lại đến đọc danh sách những người được rời bỏ Barbastro ; sau một tháng, Fontanet, Baylé và tôi được có tên trong số những người ra đi. Sung sướng quá ! Chúng tôi ra đi, xích tay từng cặp một, đáp xe lửa cho đến Saragosse. Tới ga Saragosse, vẫn bị xích từng cặp, chúng tôi đi dọc các phố cho đến nhà tù. Đó là một nhà tù rất hiện đại ; chúng tôi bị nhốt, cứ mười lăm người một, vào một phòng rộng mười mét vuông ; trong một góc phòng có một máy nước và một lỗ dùng làm nơi vệ sinh ! Sau một hai giờ họ mang cho chúng tôi mấy nệm rơm, nhưng không sao cùng nhau nằm cùng một lúc được ! Cảnh sống địa ngục đó kéo dài trong ba ngày, sau đó chúng tôi lại đi, như đã đến, bằng xe lửa, đến trại tập trung Miranda.

Sau cõi tạm khổ chuộc tội Barbastro, sau địa ngục Saragosse, chúng tôi coi trại Miranda như một thiên đường. Trại đã được Franco cất lên trong những năm nội chiến, với sự cố vấn chí lý của Hitler ; trại có khả năng, và đã từng chứa vài ngàn người. Trại gồm nhiều căn nhà bằng ván, được sắp thẳng hàng ; mỗi căn nhà chứa 120 đến 130 người. Trại được canh gác và quản lý do quân đội. Một trại theo kiểu thường, với tường bao quanh, giây thép gai và những chòi canh. Chỉ huy trại là một viên đại tá xem ra không thấy có ác cảm gì với người Pháp. Tuy nhiên, sự thực phũ phàng của thế giới trại tù không khỏi thể hiện, đặc biệt với những đồ dùng được ban ra : cặp lồng, thìa thiếc bẩn ghê tởm, nệm rơm và chăn mền rách rưới, đầy rận rệp. Mỗi gian nhà được chia làm hai bởi một hành lang chạy dọc ở giữa. Hai bên, xếp thành hai tầng là những "căn phòng" nhỏ. Chia ranh giới giữa các "căn phòng" là những thành tường làm bằng một tấm chăn cũ rích. Một chiếc bóng đèn lẻ loi lờ mờ tỏa sáng trong hành lang. Trong mỗi phòng có vài người ở. Tôi đến ở trong một "căn phòng", còn Fontanet và Baylé vì xuất thân trường quân sự Bách Khoa nên được ở "tòa nhà dành cho sĩ quan", và tôi đến thăm hai anh ở đó.

Trong một lần đến thăm đó, tôi thấy anh Jean Rousseau đã cùng tôi học trường trung học Saint Louis, và vừa mới đỗ trường Bách Khoa vào khóa 1943, thì cũng được ở tòa nhà sĩ quan. Tòa nhà này do đại úy Louis điều khiển, ông này chắc là sĩ quan cao cấp nhất trong nhóm tù nhân. Tôi bèn trình bày với đại úy Louis, cũng một người tù như tất cả chúng tôi, rằng tôi cũng đã đỗ vào trường Bách Khoa, và ngay đến cả hai lần, năm 1941 và năm 1942, nhưng tôi đã từ chức để vào trường Cao Đẳng Sư Phạm, và như thế tôi cũng có quyền không kém và có khi hơn anh Rousseau, được ở tòa nhà dành cho sĩ quan. Đại úy Louis, cũng đã từng ở Barbastro và Saragosse cùng với Fontanet, Baylé và tôi, liền bảo tôi đi kiếm tất cả đồ đạc của mình, tức chẳng có gì lắm, và trở lại, và tôi lập tức tuân lệnh. Dĩ nhiên đời sống ở Miranda rất là khó khăn, và vệ sinh thì thậm tệ ; thành phố Miranda nằm trên sông Ebre, cách Bilbao 80 cây số về phía Nam, ở độ cao 460 mét, và hồi đó là vào tháng chạp.

Ở trong trại thì chúng tôi được tự do đi lại, và có thể dạo chơi suốt ngày. Cứ 15 ngày lại có yết thị mang danh sách mấy trăm, và có thể đến tới một ngàn người, ngày hôm sau được ra đi hưởng tự do. Ngày 24 tháng chạp 1943, Fontanet, Baylé và tôi được thấy tên trong danh sách những người ra đi ngày hôm sau. Ngày 25 tháng chạp chúng tôi qua cổng trại Miranda, và trở thành những người tự do trong xứ Tây Ban Nha.

4. Khởi hành đi Maroc

Khi rời trại Miranda chúng tôi được đại diện của Ủy Ban Giải Phóng Quốc Gia Pháp (Comité Français de Libération Nationale), đóng trụ sở ở Alger, tiếp đón. Chúng tôi đi ăn một bữa, nay mới thật là bữa ăn, ở một tiệm tại Miranda, và chiều hôm đó đáp xe lửa đi Madrid. Sáng ngày 26 thì tới nơi. Được đưa đến một cơ quan của hội Hồng Thập Tự chúng tôi cởi bỏ quần áo không được thay từ khi rời khỏi Paris, ngày mồng 4 tháng mười. Cho quần áo mới, cạo râu, tắm rữa, họ phát thêm cho chúng tôi ít tiền Tây Ban Nha, và hẹn tối phải về để cùng đi Malaga. Tôi đi thăm anh Guy Lefort, cựu sinh viên trường trường Cao Đẳng Sư Phạm, khóa 1939, giáo viên Pháp văn ở trường trung học Pháp tại Madrid. Ông Carcopino, giám đốc trường và ông Bruhat, phó giám đốc, có cho bổ nhiệm một số sinh viên của trường vào dạy trường trung học Pháp tại Madrid để họ khỏi phải đi lao động cho Đức, theo chính sách của Nhà nước. Tất nhiên, những người đó được cấp giấy thị thực và đã tới Madrid bằng xe nằm, đường sắt. Địa chỉ anh Lefort là một trong những địa chỉ tôi đã học thuộc lòng. Tiếp đón tôi, anh hơi có vẻ hãnh diện cho tôi biết rằng anh và tất cả các bạn đồng nghiệp ở trường trung học Pháp đã đều theo tướng de Gaulle : tôi hỏi thế cụ thể có nghĩa là thế nào, thì anh bảo tôi là nay không phải thống chế Pétain trả lương cho các anh nữa, mà là tướng de Gaulle ! Tôi có lời khen anh vì hành động rực rỡ này, và nói rằng về phần tôi, sau hơn hai tháng nằm tù với người Tây Ban Nha, tôi chuẩn bị sang Maroc để gia nhập hàng ngũ Không Quân.

Chúng tôi rời Madrid bằng xe ca, và xe chạy suốt đêm ; chúng tôi thấy xe thật là dễ chịu, mà thật ra, cái gì bấy giờ đối với chúng tôi cũng dễ chịu hết. Trời rạng đông, chúng tôi đỗ lại nửa tiếng tại Grenade, và sáng ra thì tới Malaga ; hôm đó là ngày 27 tháng chạp, năm 1943. Người Pháp rất đông, khoảng 1500 người, phần lớn đã qua trại Miranda, nhưng cũng có người đến từ mấy nhà tù, hoặc vài nhà "nghỉ biển", khách sạn và nhà trọ, tất cả đã chứa tới 2000 người Pháp tự khai mình dưới 18 tuổi. Tại Malaga, trong khi chờ đợi lên tàu, chúng tôi được "trọ" trong các trường đấu, có rải rơm để ngủ. Ban ngày thì chúng tôi được tự do ra phố.

Từ ngày 21 tháng mười đến ngày 29 tháng chạp, sáu đoàn tàu, hai đơn vị mỗi lần, đã lần lượt rời Tây Ban Nha từ cảng Malaga, chở tất cả khỏang 9000 người đã trốn khỏi Pháp. Ngày 29 tháng chạp có hai tàu biển : Sidi Brahim và Gouverneur général Lépine, đã từng đi mấy đoàn trước, nay đã đỗ sẵn tại cảng Malaga ; Fontanet, Baylé và tôi, cùng 1500 người Pháp trọ ở các trường đấu, kéo nhau xuống bến. Chúng tôi lên tàu. Ban chiều chúng tôi nhìn bờ biển Tây Ban Nha dần xa ra. Chúng tôi trên đường đi Maroc ! Ngày 31 tháng chạp, tôi đặt chân lên đất Phi Châu, ở Casablanca. Cuộc vượt biên khỏi Pháp, chuyến du hành Paris-Casablanca vừa kết thúc ; tất cả mất 88 ngày.

II. Nhập ngũ vào Không Quân

5. Casablanca và Alger

Ngày thứ sáu 31 tháng chạp năm 1943, tất cả những người Pháp đã lên bộ tại Casablanca, do hai con tàu từ Malaga chở đến, đều được đưa vào một trại tạm trú, để làm nhiều thủ tục. Đầu tiên là làm một thẻ căn cước tạm thời, bằng vào lời khai của đương sự. Rồi mấy viên sĩ quan ở đó chất vấn chúng tôi một hồi lâu, về lí lịch, về học trình, về cuộc vượt núi Pyrénées và về những ngày lưu trú tại Tây Ban Nha. Nhân đó tôi được biết tôi được bổ vào chức thiếu úy kể từ ngày 18 tháng mười, ngày mà tôi vượt qua biên giới sang Tây Ban Nha. Tất cả những người trốn khỏi Pháp, xuất thân từ một trong bốn trường quân sự : Bách Khoa (Ecole Polytechnique), Liên Binh Chủng (Ecole Saint Cyr), Hải Quân (Ecole Navale), Không Quân (Ecole de l'Air), hoặc năm trường dân sự sau đây : Cao Đẳng Sư Phạm (Ecole Normale Supérieure), Hầm Mỏ Paris (Ecole des Mines de Paris), Cầu Cống (Ecole des Ponts et Chaussées), Trung Ương Nghệ Thuật và Kỹ Nghệ (Ecole Centrale), Thuộc Địa (Ecole Coloniale) đều được ban chức thiếu uý, cũng theo thể lệ như tôi.

Mấy viên sĩ quan khác chất vấn chúng tôi về những gì có thể liên quan tới cuộc chiến sắp diễn ra trên đất Pháp ; tôi nói ra vài điều lẻ tẻ tôi được biết về những công sự tôi đã thấy trên bãi biển Lecques và trong các biệt thự ở ven bờ. Sau đó tôi xin tòng quân vào Không Quân, trong suốt thời gian chiến tranh. Từ đó trở đi con đường đời cùa Fontanet, Baylé và tôi đã tách rời nhau. Fontanet tòng quân vào pháo binh, còn Baylé thì vào quân thiết giáp. Những người trốn khỏi nước Pháp có quyền chọn binh chủng mình muốn nhập vào. Mỗi đợt người đến từ Tây Ban Nha lại có người xứ Alsace giả mạo. Họ thật ra là gián điệp do quân đội Đức muốn cho lọt vào ; họ bị mang ra xử bắn. Ngày thứ hai, mồng 4 tháng giêng 1944 tôi rời trại tạm trú để ra phân đoàn 209 ở Casablanca. Ở đó chúng tôi được phát cho một bọc đồ quân nhu rất đầy đủ, và tôi đợi ngày được gửi đi Alger để giúp xác nhận (tra trong Quan Báo – Journal Officiel) việc tôi đỗ vào trường Cao Đẳng Sư Phạm, và thụ lệnh bổ tôi vào hàm thiếu úy.

Trong những ngày ở Casablanca tôi đi thăm bác André Moitessier, anh em con chú con bác của mẹ tôi ; địa chỉ của bác cũng là một trong những địa chỉ tôi đã học thuộc lòng. Bác bảo tôi là anh Marcel Boiteux, bạn đồng khóa với tôi ở trường Cao Đẳng Sư Phạm đã tới Casablanca, qua Gibraltar, được mấy tháng rồi. Boiteux và tôi ở cùng phòng trong năm học 1942-1943, mà cả hai chúng tôi chẳng ai biết là người kia đang chuẩn bị tạm ngừng học để tòng quân vào quân đội chiến đấu của Pháp, bên Bắc Phi. Điều này đủ cho ta thấy cái màn bí mật cần phải bao quanh một dự kiến như thế. Anh bạn chỉ mất có hai tuần để băng qua Tây Ban Nha mà không bị cảnh binh bắt giữ. Anh thực hiện được kỳ tích này là vì vượt núi Pyrénées anh đi kèm một tốp phi công Mỹ bị bắn rơi trên đất Pháp ; khi vào tới Tây Ban Nha họ liên lạc với sứ quán Mỹ ở Madrid ; Franco không bắt bỏ tù người Mỹ và một nhân viên sứ quán Mỹ đã đến đón phi công của họ, và cả anh Boiteux luôn thể, và đã đưa tất cả đến Gibraltar. Tại phân đoàn 209 tôi làm quen với anh Langlois-Berthelot từ Tây Ban Nha đến cùng chuyến với tôi. Anh đỗ vào trường Bách Khoa, khóa 1943, và cũng như tôi, đang đợi ngày đi Alger. Khi ở Tây Ban Nha anh ngụ tại một nhà "nghỉ biển", vì anh khai tuổi mình là 17 ; anh biết rõ hơn tôi về thể thức qua Tây Ban Nha. Sau cùng Langlois-Berthelot và tôi đi Alger trên một toa tàu chở súc vật, nhưng được xếp vào một chỗ rất thoải mái.

Một đoàn quân đồ sộ, gồm người Mỹ, người Anh, người Phàp, đang đóng ở Bắc Phi, và vận tải dĩ nhiên đặt ra nhiều vấn đề vô kề. Tàu chạy mấy ngày mấy đêm mà cũng phải ngừng lại mấy lần ; đặc biệt một lần ở Oran, chúng tôi đã thừa dịp xuống thăm thành phố ; sau cùng tàu đã đến Alger ngày 16 tháng giêng ; tới nơi, chúng tôi đến trình diện tại căn cứ 320, nơi mà chúng tôi được bổ dụng ; chúng tôi lại phải qua thêm nhiều thủ tục nữa, nhưng nhờ đó có một điều là chúng tôi được cấp thẻ căn cước thực sự và sau đó chỉ còn đợi nghị định bổ vào hàm thiếu úy. Nghị định tới nơi ngày mổng 3 tháng ba ! Khi vừa tới Alger tôi đã lập tức đến đài phát thanh nhờ loan tin : "Mõm con heo vòi chổng lên trời", câu mà tôi đã ước định với bố mẹ và vài người bạn là sẽ cho phát ra từ đài Alger để báo tin rằng tôi đã tới Bắc Phi ; bố mẹ tôi không nghe thấy câu đó, nhưng có người bạn đã tiếp được và nhận ra, và đã lập tức báo cho bố mẹ tôi biết. Trong thời gian sáu tuần ở lại Alger, tôi có lại thăm ông Georges Darmois giáo sư Viện Khoa Học Paris, lúc bấy giờ có mặt tại Alger ; trong những điều ông nói, ông cho tôi biết là giáo sư Yves Rocard, cũng dạy ở Viện Khoa Học Paris, cũng có mặt tại Alger. Tôi có theo học những lớp ông giảng cho sinh viên năm thứ nhất ở trường Cao Đẳng Sư Phạm, và hồi tháng bảy vừa qua tôi đã thi với ông một kỳ vấn đáp trong môn Vật Lý Đại Cương. Ông Rocard đã rời nước Pháp bằng máy bay ; ông là một chuyên gia về pha vô tuyến và người Anh đã cho một máy bay Lysander sang đón ông ; máy bay đã hạ cánh trong đêm 13 sang ngày 14 tháng mười 1943, trên một bãi đồng cỏ vùng Poitiers. Lysander là những máy bay một cánh quạt có bốn chỗ : một người lái, một người bắn súng và hai hành khách. Các máy bay Lysander đỗ xuống những bãi đồng cỏ theo anh em kháng chiến chỉ định, vào những đêm rằm hoặc những đêm gần đó. Khoảng 640 người đã rời Pháp sang Anh theo đường này ; con số này phải so với số những người Pháp đã vượt núi Pyrénées : 23000, và số những người không qua nổi : 7000. Vào những số đó, phải cộng thêm vài ngàn người nước ngoài.

Trong sáu tuần chờ đợi, tôi gần như hôm nào cũng đến thư viện Đại Học Alger. Tất nhiên tôi muốn trở lại trường Cao Đẳng Sư Phạm sau chiến tranh, để học cho xong chương trình và vì thế tôi không muốn quên đi những kiến thức về toán mà tôi đã bắt đầu học được ở đó. Ở thư viện tôi đã đọc và viết ra phép chứng minh định lí của Hadamard về luật phân phối các số nguyên tố và tôi đã bắt đầu nghiên cứu về các số siêu việt. Ở Alger tôi cũng đã mua một trong những số ít sách khoa học mà tôi tìm được : bộ sách Cơ Học Thiên Thể (Mécanique Céleste) gồm ba quyển, của Henri Poincaré. Ở Alger tôi đã đến thăm chú tôi Albert Fabry, và thím tôi ; chú thím tôi ở phố Claude Bernard, trong một biệt thự nhìn xuống thành phố Alger, rất là ngoạn mục ; chú thím tiếp đón tôi rất là niềm nở, và mấy lấn đã cho tôi ngủ lại nhà. Đầu tháng ba anh Langlois và tôi được xác định hàm thiếu úy, và được truy lĩnh số lương được hưởng từ ngày có chức và ngày mồng 3 tháng ba, chúng tôi đáp tàu trở về Casablanca, đi lại quãng đường vẫn dài như cũ, trong một toa chở hành khách. Tới Casablanca chúng tôi được bổ dụng vào Trung Tâm Huấn Luyện Nhân Viên Phi Hành, cùng với khoảng hai chục thanh niên Pháp, sinh viên chuẩn úy ; theo quy hoạch, chúng tôi sẽ hợp thành khóa sắp tới, vào học lớp đào tạo nhân viên phi hành của Không Quân. Chúng tôi ở lại Casablanca cho đến ngày 12 tháng tư.

6. Marrakech

Ngày 13 tháng tư, toàn thể các thực tập viên gồm hai thiếu úy, Langlois và tôi, và khoảng hai mươi sinh viên chuẩn úy, đã tới Marrakech, trường Thực Hành Đào Tạo Nhân Viên Phi Hành. Vị thiếu tá chỉ huy trường thấy rằng bạn Langlois và tôi chưa bao giờ làm lính mà đã được làm thiếu úy thì có sự gì dị thường. Vì vậy ông bảo anh bạn và tôi ăn và ở phải theo chế độ của các sinh viên chuẩn úy. Ngủ ở phòng chung, nằm giường hai tầng thì chúng tôi cũng chịu được thôi, nhưng đến bữa ăn chúng tôi phải sắp hàng mang cái ga-men qua mặt các anh lính phục vụ người Maroc. Các anh lính có vẻ kinh ngạc khi thấy hai sĩ quan phải sắp hàng cùng với các sinh viên chuẩn úy, tựu chung vẫn còn là lính ; họ tự hỏi có phải chúng tôi bị phạt chăng, khiến anh Langlois và tôi ngượng quá, đến nỗi sau ba ngày chúng tôi đã tự cởi bỏ lon thiếu úy đi. Tôi thấy tình trạng này rất khó chịu nên đề nghị với anh Langlois cùng lên gặp ông thiếu tá để trình bày sự việc ; anh bạn từ chối nên tôi lên một mình và ông thiếu tá cũng nhận rằng mình đã lầm lỗi và đặt chúng tôi vào với các sĩ quan, đế ăn cũng như để ngủ, và như thế chúng tôi được dùng cơm trong phòng ăn của các sĩ quan.

Ớ Marrakech tôi xin học bằng chỉ dẫn máy bay. Trong chương trình có lớp học lý thuyết, các giảng viên nói là có trình độ lớp cao học toán sau tú tài, nhưng tôi thấy trình độ so với lớp mười trung học thì đúng hơn. Đồng thời chúng tôi cũng bay, với tư cách học tập viên chỉ dẫn, hoặc hành khách thường, vì muốn có bằng chỉ dẫn máy bay thì phải đã bay xong 100 tiếng đồng hồ. Những máy bay chúng tôi được dùng để bay thuộc loại Léo 5 hoặc Cessna. Đời sống trong căn cứ không quân rất là rẻ, và 90% tiền lương chúng tôi được dùng làm tiền bỏ túi. Vì thế mỗi tháng sau khi lĩnh lương chúng tôi rủ nhau đi ăn một bữa ở khách sạn Mamounia, một khách sạn tráng lệ tột bực, có tiếng trên thế giới ; Churchill đã từng tới đó ăn nghỉ và dưỡng sức ; những bữa ăn ở đó thật là tuyệt vời và giá cả thì cũng có trình độ thích hợp. Một hôm tôi có dịp gặp lại Fontanet và Baylé, và cùng với hai bạn đi chơi Mogador, nay gọi là Essaouira ; tôi đi không có giấy phép, mà chắc có xin thì cũng chẳng được, và khi về tôi được biết hôm đó tôi có tên trong bảng những người đi bay, nhưng nhờ thiện chí của các bạn cùng lớp và sự thông cảm của một anh huấn luyện viên, tôi thoát không bị phạt. Thời gian tập sự gần xong thì bạn Langlois lên bay với một anh học lái ; khi hạ cánh anh này lái hỏng và bỏ mạng, và bạn Langlois cũng đi theo. Cùng với năm bạn khác của Langlois, tôi khiêng quan tài của anh, hạ huyệt ở nghĩa trang Marrakech. Ngày 18 tháng tám, khóa thực tập bế mạc ; tôi đỗ đầu, không có gì khó lắm, và nhận bằng chỉ dẫn máy bay.

Sau đó còn phải học chuyên về một ngành và tôi chọn máy bay ném bom tải trọng, có lớp huấn luyện ở bên Anh. Thế là ngày 20 tháng tám, cùng với những người mới đỗ cũng ngành máy bay ném bom tải trọng, tôi rời qua phân đoàn Baraki, gần Alger. Mồng 7 tháng chín (1944) chúng tôi từ Alger lên tàu sang Anh ; tàu đi thành đoàn, và chúng tôi đến Greenock, xứ Ecosse, gần Glasgow, vào ngày 14 tháng chín.

7. Bên Anh

Chúng tôi có ngụ vài ngày gần Luân-đôn, tại một trung tâm tạm trú gọi là "Trường Yêu Nước (Patriotic School)". Tại Luân-đôn tôi tình cờ gặp người lái máy bay cho tướng Leclerc, mà ngày hôm sau tại Paris đã bỏ bức thư đầu tiên tôi viết được cho bố mẹ từ ngày rời đất Pháp. Vẫn ở Luân-đôn, ngày 25 tháng chín, tôi mua cuốn sách toán : "A course of Modern Analysis" của Whittaker và Watson ; trong suốt những ngày sống ở bên Anh, tôi đã học rất kỹ nội dung cuốn sách này, vẫn nhằm khi tôi sẽ trở lại trường Cao Đẳng Sư Phạm. Cũng trong những ngày tôi ở bên Anh, tôi đã viết một bài về cách dùng phân số liên tiếp vào việc kết lập các số siêu việt ; liên lạc giữa Anh và Pháp đã được lập lại, nhờ đó tôi đã gửi bài đó cho bố tôi, và bài đã được in trong "Tập San Khoa Học (Revue Scientifique)".

Sau Luân-đôn tôi đổi đến một trung tâm ở Filey, rồi ở Dumfries, xứ Ecosse, vào " Đơn Vị Huấn Luyện Cao Độ (Advanced Training Unit)", và đã ở đó từ ngày mồng 10 tháng mười cho tới ngày mồng 4 tháng chạp. Sau đó tôi được đổi đi Lossiemouth, vẫn bên Ecosse, vào một trung tâm gọi là "Đơn Vị Huấn Luyện Chiến Đấu (Operational Training Unit)" ; tôi ở đó từ ngày mồng 2 tháng giêng cho đến ngày mồng 9 tháng ba 1945. Ở đơn vị này, các nhân viên đã học xong và chúng tôi họp thành từng đội bay đêm. Lossiemouth nằm trên vĩ tuyến 58 và lúc bấy giờ là mùa đông ; đêm xuống rất sớm, và điều này rất tiện cho việc bay đêm. Những người chỉ dẫn máy bay mới ra trường cũng có khi bay với chức năng chỉ dẫn phó, với những đội bay khác. Như thế, một đêm tôi bay với một đội người Anh, và khi đậu xuống, càng hạ cánh bị gẫy và máy bay bốc lửa do sự cọ sát vào đường băng ; tất cả mọi người Anh đều thoát ra được, qua các lối ra cấp cứu, riêng tôi không ra nổi, vì các cửa chính đều bị lửa bao quanh ; máy bay, một chiếc Wellington, làm bằng một khung bằng nhôm, bọc vải ; trọc thủng vải giữa những thanh nhôm, tôi lọt ra được, vì người mảnh khảnh, và ra tới ngoài tôi thấy các đồng đội người Anh đang hỏi nhau, "anh dẫn máy bay người Pháp đâu rồi" ; tất cả chúng tôi được an toàn, nhưng nhiều bạn thấy máy bay bị cháy đã tin rằng chúng tôi chết hết.

Ngày mồng 9 tháng ba, các đội ở Lossiemouth được gửi đi một căn cứ mới, để chuyển sang máy bay Halifax mà chúng tôi sẽ sử dụng khi ra trận. Ngày mồng 5 tháng năm chúng tôi gia nhập nhóm Guyenne, một trong hai nhóm máy bay ném bom tải trọng của Lực Lượng Người Pháp Tự Do. Họ tiếp chúng tôi lời lẽ rất mỉa mai, còn chúng tôi, trong lòng thấy đầy cay đắng khi phải kết thúc như thế cuộc mạo hiểm đầy chông gai chúng tôi đã trải qua trong ngót hai năm trời. Ba ngày sau nước Đức đầu hàng không điều kiện, và chiến tranh chấm dứt.

Chúng tôi bay một vòng trên nước Đức và ném xuống Biển Bắc những quả bom không cần dùng đến nữa ; ngày 18 tháng sáu đội chúng tôi tham dự cuộc điểm binh trên đại lộ Champs Elysées. Cất cánh từ Elvington, tỉnh Yorkshire, đến giờ đã định chúng tôi bay trên Champs Elysées, rồi trở về hạ cánh ở Elvington. Tháng bảy, tôi được bổ dụng vào một phân đội đi trước để chuẩn bị cho hai nhóm máy bay ném bom tải trọng Guyenne và Gascogne đến đóng ở căn cứ Mérignac, gần Bordeaux ; chính là từ đó mà tướng de Gaulle đã cất cánh sang Luân-đôn vào ngày 17 tháng sáu năm 1940 ! Từ Bordeaux tôi đã lên được Paris thăm bố mẹ sau 21 tháng vắng mặt. Ở Mérignac tôi đã học để thi nốt môn Cơ Học Thuần Lý (Mécanique Rationnelle) mà tôi còn thiếu để hoàn tất bằng cử nhân toán.

Tôi được bổ vào Trung Tâm Tập Trung và Quản Lý Nhân Lực (Centre de Rassemblement et d'Administration du Personnel) tại Paris, và ở đó tôi được giải ngũ vào ngày 21 tháng mười, hai năm và ba ngày sau khi vượt biên giới sang Tây Ban Nha. Ngày 24 tháng mười tôi thi xong bằng cử nhân toán khi đỗ được môn Cơ Học Thuần Lý, và tôi trở lại trường Cao Đẳng Sư Phạm để học nốt năm thứ nhì và cũng là năm cuối cùng ở đó.

 

dịch giả :
Nghiêm Phong Tuấn